Cảm biến áp suất lốp là một thiết bị điện tử được dùng để đo lường áp suất bên trong lốp xe. Cảm biến áp suất lốp cùng với hệ thống cảnh báo áp suất lốp cung cấp dữ liệu về áp suất lốp tại các bánh xe, hỗ trợ người dùng có thể kịp thời xử lý khi lốp xe có vấn đề như nổ lốp hay thủng lốp. Việc sử dụng xe với áp suất lốp đúng tiêu chuẩn còn giúp kéo dài tuổi thọ lốp, giúp xe vận hành êm ái, ổn định. Trong bài viết, Toyota sẽ cùng các bạn tìm hiểu những thông tin về loại cảm biến này

Cảm biến áp suất lốp là gì?

Cảm biến áp suất lốp (Tire Pressure Sensor) là một bộ phận thuộc hệ thống cảnh báo áp suất lốp (Tire Pressure Monitoring System, viết tắt là TPMS). Cảm biến áp suất lốp được lắp đặt trên xe là một van bơm hơi tích hợp bộ phát tín hiệu. Hệ thống cảnh báo áp suất lốp sẽ lấy tin hiệu phát ra từ cảm biến và hiển thị giá trị áp suất lốp lên màn hình taplo xe. Khi xảy ra hiện tượng mất áp suất không khí trong lốp, TPMS sẽ thông báo cho người điều khiển bằng đèn cảnh báo lốp bị xẹp. 

Việc kiểm soát áp suất lốp rất cần thiết trong quá trình vận hành sử dụng xe. Lốp ô tô không được bơm căng đúng cách (bôm gồm cả bơm thừa và bơm thiếu hơi) khiến lốp xe mòn không đều và mòn nhanh hơn, rút ​​ngắn tuổi thọ sử dụng và ảnh hưởng đến sự an toàn khi lái xe. Áp suất lốp lệch chuẩn gây giảm tính ổn định và êm ái khi vận hành và điều khiển xe, đặt lốp xe vào trạng thái dễ bị hư hại dưới tác động từ điều kiện mặt đường. Việc sử dụng xe dưới điều kiện áp suất lốp tại các bánh chênh lệch nhau (do bơm lốp không đồng đều hoặc do có lốp bị xì hơi) gây khó khăn cho người dùng khi điều khiển xe, ảnh hưởng trực tiếp đến tính an toàn của xe. 

Trang bị cho xe hệ thống cảnh báo áp suất lốp là một trong những bí quyết chăm sóc và sử dụng lốp xe ô tô đúng cách, đảm bảo lốp xe không bị xì hơi ở mức nguy hiểm, giúp tiết kiệm nhiên liệu và tạo cảm giác thoải mái cho người điều khiển phương tiện. Cũng bởi nguyên nhân này mà TPMS đã trở thành một phần bắt buộc trong quá trình sản xuất xe ở Mỹ kể từ năm 2008.

cảm biến áp suất lốp là gì

Cảm biến áp suất lốp là thiết bị điện tử rất hữu ích cho ô tô (Nguồn: Sưu tầm)

Cấu tạo bộ cảm biến áp suất lốp

Hiện nay có nhiều loại cảm biến áp suất lốp ô tô khác nhau nhưng cấu tạo chung thường bao gồm 3 bộ phận cơ bản sau:

Cụm van cảm biến

Cụm van cảm biến được tích hợp trên vành xe thay thế cho loại van bơm hơi thông thường, cấu tạo gồm 1 viên pin lithium cấp nguồn hoạt động cho  1 cảm biến và 1 bộ phát tín hiệu điện từ. Bộ phát tín hiệu này có thể được lắp đặt ở bên ngoài hoặc bên trong lốp ô tô và có chức năng đo lường áp suất ở 4 lốp xe

Bộ xử lý trung tâm

Bộ xử lý trung tâm có chức năng thu nhận, xử lý các tín hiệu nhận được từ 4 van cảm biến áp suất lốp, sau đó gửi dữ liệu hiển thị thông số lên màn hình riêng hoặc màn hình trên xe ô tô, điện thoại,… Bộ phận này được ví là bộ não của thiết bị cảm biến áp suất lốp

Màn hình hiển thị thông số

Màn hình hiển thị thông số có chức năng hiển thị các thông tin về áp suất và nhiệt độ của 4 (hoặc 5, tùy loại) lốp xe. Hiện nay, với hệ thống cảnh báo áp suất lốp trên xe, việc hiển thị áp suất lốp được tích hợp trên màn hình đồng hồ công tơ mét hoặc màn hình giải trí. Với những bộ cảm biến là phụ kiện gắn thêm, hiện nay có nhiều loại TPMS đã chọn lược bỏ màn hình hiển thị này và thay bằng tính năng kết nối trực tiếp vào màn hình của xe hoặc tích hợp trên điện thoại, đồng hồ thông minh. Việc lược bỏ này được nhận định sẽ hỗ trợ giám sát áp suất khi bơm được tối ưu hơn

Cấu tạo của cảm biến áp suất lốp

Bộ cảm biến áp suất lốp gồm van cảm biến, bộ xử lý trung tâm, màn hình hiển thị thông số (Nguồn: Sưu tầm)

Phân loại cảm biến áp suất lốp

Cảm biến áp suất lốp gián tiếp (iTPMS - indirect Tire Pressure Monitoring System)

Là loại cảm biến áp suất lốp TPMS không đo áp suất lốp xe bằng phương thức vật lý mà bằng cách đo tốc độ quay của bánh xe cũng như một số thông số khác để từ đó báo kết quả tới tài xế

Nguyên lý hoạt động chủ yếu của nó như sau: Những lốp xe non hơi thường có đường kính nhỏ hơn. Điều này tạo sự chênh lệch vận tốc quay với những bánh xe lốp căng, những chỉ số này được đo nhờ một bộ cảm biến tích hợp trên hệ thống phanh ABS và hệ thống ESC (Cân bằng điện tử)

Cảm biến áp suất lốp trực tiếp (dTPMS - direct Tire Pressure Monitoring System

Là loại cảm biến áp suất lốp TPMS bằng phương pháp vật lý với cách gắn ở đầu van lốp xe và đo lượng khí có được trong lốp. Thông thường cảm biến áp suất lốp trực tiếp sẽ truyền phát tín hiệu giữa các đầu cảm biến đến một bộ điều khiển trung tâm hoặc thông qua ứng dụng trên smartphone.

Cảm biến áp suất lốp trực tiếp được chia thành 2 loại:

Cảm biến áp suất lốp van trong

Cảm biến áp suất lốp van trong được thiết kế theo hình chiếc van và đầu thôi dài ở cuối. Bên trong là cảm biến và bộ thu phát tín hiệu đến bộ xử lý trung tâm. Với loại cảm biến này, người lái xe có thể bơm lốp bình thường và không cần phải reset lại cảm biến. Tuy nhiên, cảm biến áp suất lốp van trong cũng có một vài điểm bất lợi như:

Trong trường hợp cần thay thế hay kiểm tra lại thì phải tháo lốp ra.

Phải tháo phần che mạch khi thay pin khiến cho cảm biến kém chuẩn xác khi sử dụng lại.

Cảm biến áp suất lốp van ngoài

Cảm biến áp suất lốp van ngoài có hình thù như nắp chai được gắn ở phía ngoài của van xe. Các đầu cảm biến sẽ truyền thông tin thu nhận được khi đo áp suất lốp đến bộ điều khiển trung tâm và thông báo các chỉ số của từng lốp xe cho người điều khiển.

Ưu điểm của loại cảm biến này đó là dễ dàng lắp đặt, dễ dàng thay pin và có tính năng khoá cứng đầu nối cảm biến chống trộm, tránh bị rung lắc, chống bụi, chống nước. Tuy nhiên, cảm biến áp suất lốp van ngoài cũng có nhược điểm là khi bơm lốp cần phải mang theo công cụ mở khoá đầu cảm biến. Do lắp đặt bên ngoài nên loại cảm biến này dễ gặp hư hỏng vì các tác nhân ngoại lực hơn so với loại lắp bên trong lốp. Ngoài ra, loại cảm biến này thường lắp trên xe theo dạng phụ kiện lắp đặt thêm, nên cần tiến hành cân bằng động lại bánh xe để đảm bảo tính vận hành.

Có nên lắp cảm biến áp suất lốp ô tô không?

Hiện nay, TPMS được xem như một hệ thống cảnh báo an toàn tiêu chuẩn, chính vì vậy mà nhiều nhà sản xuất ô tô thường trang bị sẵn thiết bị này như Toyota Corolla Cross, Toyota Camry Toyota Land Cruiser,... Tuy nhiên, đối với những mẫu ô tô không được trang bị sẵn, người dùng có thể lắp đặt thêm TPMS ở trong hoặc ngoài lốp xe với mức chi phí hợp lý. Có 3 lý do chính cho việc bạn nên trang bị thêm một bộ TPMS cho xe ô tô:

Kéo dài tuổi thọ lốp: Khi sử dụng TPMS, người dùng có thể dễ dàng phát hiện các sự cố liên quan đến lốp xe như lốp bị vật nhọn đâm thủng, rò rỉ van,... để có biện pháp xử lý kịp thời giúp kéo dài tuổi thọ cho lốp xe.

Đảm bảo an toàn cho người lái: Khi có sự chênh lệch áp suất lớn giữa các bánh (bánh xì hơi hoặc bơm hơi các bánh không đều), chiếc xe sẽ ở trong trạng thái mất cân bằng. Điều này ảnh hưởng xấu đến quá trình xe di chuyển trên đường, giảm sự êm ái, tính ổn định an toàn trên xe. Hơn nữa, điều này khiến việc điều khiển của người lái cũng trở nên khó khăn và thiếu chính xác. Nhờ có TPMS mà người dùng có thể theo dõi áp suất lốp thường xuyên, đảm bảo các chỉ số luôn ở mức tiêu chuẩn. Từ đó đảm bảo sự an toàn cho người điều khiển phương tiện và người lưu thông trên đường.

Tiết kiệm nhiên liệu và góp phần bảo vệ môi trường: Một nghiên cứu gần đây của Cơ quan An toàn Giao thông Cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTSA) đã chỉ ra rằng, khi áp suất lốp xe giảm 1% thì mức tiết kiệm nhiên liệu sẽ giảm 0,3%. Do đó, lốp xe duy trì ở mức tiêu chuẩn sẽ giúp giảm thiểu lượng tiêu thụ nhiên liệu và khí thải ra môi trường.

Có nên lắp đặt cảm biến áp suất lốp

Cảm biến áp suất lốp giúp tiết kiệm nhiên liệu, đảm bảo an toàn cho người lái (Nguồn: Sưu tầm)

Kinh nghiệm chọn mua cảm biến áp suất lốp ô tô

Tùy vào nhu cầu sử dụng mà bạn có thể lựa chọn một bộ cảm biến phù hợp, bạn có thể tham khảo một số kinh nghiệm lựa chọn dưới đây

Cảm biến áp suất lốp gắn trong hay gắn ngoài

Cảm biến áp suất lốp ô tô có 2 loại đó là cảm biến áp suất lốp gắn trong và cảm biến áp suất lốp gắn ngoài mang những ưu - nhược điểm khác nhau

Cảm biến áp suất lốp gắn trong

Đây là loại cảm biến được lắp ở bên trong lốp xe ô tô, van cảm biến sẽ thay cho van có sẵn của lốp xe.

Ưu điểm: 

- Trong quá trình sử dụng không lo bị mất trộm.

- Thuận tiện trong việc bơm lốp vì cảm biến này tích hợp van bơm hơi cho bánh xe.

- Lắp trong lốp khiến cảm biến được an toàn hơn, tránh những tác động ngoại lực.

Nhược điểm:

- Việc lắp đặt khá phức tạp, cần phải tháo lốp xe và cân bằng động. Điều này yêu cầu có dụng cụ chuyên dụng để thực hiện.

- Việc truyền tín hiệu từ cảm biến đến bộ xử lý sẽ khó khăn hơn so với loại cảm biến lắp ngoài.

Cảm biến áp suất lốp gắn ngoài

Cảm biến áp suất lốp gắn ngoài là loại cảm biến gắn vào đầu van của bánh xe.

Ưu điểm: 

- Lắp đặt dễ dàng, nhanh chóng mà không cần phải tháo lốp xe. 

- Có thể thay thế, sửa chữa hay thay thế pin khi van bị hỏng một cách dễ dàng.

- Bộ cảm biến loại này thường được lắp dưới dạng phụ kiện, dễ lắp đặt mà không cần can thiệp vào hệ thống trên xe.

Nhược điểm:

- Mỗi lần bơm xe cần phải có dụng cụ mở van cảm biến chuyên nghiệp.

- Van lắp bên ngoài nên dễ xảy ra tình trạng bị mất trộm.

- Cần thực hiện cân bằng động khi lắp cảm biến .

- Cụm van và cảm biến khá dài, có thể bị hư hỏng và gãy dưới tác động bên ngoài.

Từ các phân tích trên có thể thấy, mỗi loại TPMS sẽ mang đến những ưu và nhược điểm riêng. Nên tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng, sở thích mà bạn có thể lựa chọn sản phẩm phù hợp.

Cảm biến áp suất lốp màn hình rời hay không màn hình

Màn hình hiển thị của cảm biến áp suất lốp có 2 loại là màn hình rời và không màn hình. Trong đó:

Bộ cảm biến áp suất lốp màn hình rời

Bộ TPMS này sẽ kèm theo một màn hình rời nhỏ, sử dụng điện từ vị trí để sạc các thiết bị điện tử. Loại màn hình này có thể lắp tùy ý trên xe như cột chữ A, bảng taplo hoặc treo ngược ở gần kính chiếu hậu giúp theo dõi liên tục áp suất lốp

Kinh nghiệm chọn bộ cảm biến áp suất lốp

Bộ cảm biến áp suất lốp màn hình rời có thể lắp ở cột chữ A, bảng taplo (Nguồn: Sưu tầm)

Bộ cảm biến áp suất lốp không màn hình

Hiện nay có nhiều loại TPMS đã lược bỏ màn hình hiển thị, thay bằng tính năng kết nối hiển thị trên màn hình trung tâm của xe hay ứng dụng trên đồng hồ thông minh, smartphone,..

Cảm biến áp suất lốp sử dụng pin sạc hay năng lượng mặt trời

Pin của bộ cảm biến áp suất lốp được cung cấp năng lượng bằng ánh sáng mặt trời. Vì thế, trong quá trình di chuyển người dùng không lo tình trạng bị ngắt nguồn do cạn pin khi sử dụng xe với tần suất cao mỗi ngày. Hơn nữa, sử dụng cảm biến loại này giúp tiết kiệm một cổng sạc điện trên xe

Cảm biến áp suất lốp có khả năng kháng nước

Bạn nên chọn cảm biến áp suất lốp có tiêu chuẩn kháng nước càng cao càng tốt. Với tiêu chuẩn kháng nước IP67, bộ cảm biến có thể kháng nước ở độ sâu 1m trong khoảng 30 phút.

Độ bền của cảm biến

Độ bền của cảm biến áp suất lốp cũng là một trong những tiêu chí để bạn đánh giá sản phẩm có chất lượng tốt hay không. Bạn nên chọn loại cảm biến được làm từ các vật liệu như thép không gỉ, lithium ion,..

Khả năng lắp đặt

Van cảm biến áp suất lốp ô tô có cấu tạo tương tự như chìa khóa và mỗi đầu van sẽ có lốc xoáy. Trong quá trình lắp đặt, lốp xe sẽ được tháo rời và gắn trực tiếp van cảm biến vào. Nhờ đó người dùng có thể tự lắp đặt mà không cần đến thợ sửa chữa chuyên nghiệp hay các dụng cụ chuyên dụng

Giá thành sản phẩm

Hãy lựa chọn loại cảm biến áp suất lốp phù hợp với nhu cầu sử dụng và có giá bán hợp lý. Tùy vào tính năng, xuất xứ và chất lượng mà sản phẩm sẽ có giá dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng.

Kinh nghiệm mua cảm biến áp suất lốp

Chọn loại cảm biến áp suất lốp phù hợp với nhu cầu sử dụng và có giá bán hợp lý (Nguồn: Sưu tầm)

Hướng dẫn lắp đặt cảm biến áp suất lốp

Mỗi loại cảm biến áp suất lốp sẽ có phương thức lắp đặt khác nhau, bạn có thể tham khảo hướng dẫn chi tiết dưới đây:

Cách lắp đặt cảm biến áp suất lốp van ngoài

Cách lắp đặt cảm biến áp suất lốp van ngoài khá đơn giản, bạn có thể thực hiện theo các bước dưới đây.

Bước 1: Tháo van nguyên bản của xe ra rồi khóa đai ốc vào.

Bước 2: Lắp đặt van cảm biến theo các ký hiệu tương ứng với 4 lốp xe.

Bước 3: Sử dụng cờ lê chuyên dụng khóa chặt đai ốc vào.

Bước 4: Để biết bạn đã vặn chặt hay chưa thì chỉ cần cho nước xà phòng vào. Nếu bị rò rỉ tại vị trí chân van sẽ có khí sùi bong bóng, cần xoáy lại cho chặt.

Cách lắp đặt cảm biến áp suất lốp van trong

Đối với cảm biến áp suất lốp trong sẽ cần đến sự khéo léo và tỉ mỉ hơn. Bạn có thể thực hiện như sau: 

Bước 1: Tháo lốp xe ra khỏi bánh rồi dùng các dụng cụ chuyên dụng để tháo lốp ra khỏi vành.

Bước 2: Cắt bỏ phần cao su ở chân van rồi tháo van nguyên bản ra khỏi lốp.

Bước 3: Lắp van cảm biến vào từng bánh xe, sau đó bơm lốp để kích hoạt và lắp mũ chụp van vào.

Bước 4: Cân bằng động và lắp lại bánh xe.

Có thể thấy, cảm biến áp suất lốp không chỉ góp phần đảm bảo độ an toàn của bạn mà còn giúp cho lốp được bền hơn, hạn chế việc tiêu hao nhiên liệu. Chính vì vậy, việc lắp đặt bộ cảm biến áp suất lốp cho ô tô là điều rất cần thiết. Hy vọng bài viết của Toyota chia sẻ trên đã mang lại cho bạn những thông tin hữu ích

Như chúng ta đã biết, việc bảo dưỡng xe ô tô là việc rất cần thiết, ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của người dùng, tuổi thọ và giá trị của xe. Nhằm đảm bảo xe vận hành ổn định và an toàn, bạn nên đưa xe đi bảo dưỡng định kỳ. Hiện nay, các đại lý và trạm dịch vụ ủy quyền Toyota đã có mặt trên toàn quốc để khách hàng có thể thuận tiện hơn trong việc bảo dưỡng chính hãng. Nếu bạn đang quan tâm tới dòng xe Toyota thì hãy đăng ký lái thử để có cơ hội trải nghiệm các dòng xe hiện đại với nhiều tính năng tiện lợi. Để biết thêm chi tiết, bạn có thể liên hệ với Toyota qua

Tổng đài tư vấn: 1800 1524 - 0916 001 524 

Email CSKH: [email protected]

>>>Xem thêm:

Mã lực là gì? 1 mã lực bằng bao nhiêu W, kW?

HUD là gì? Công dụng của màn hình HUD trên xe ô tô

Cần số ô tô: Ý nghĩa các ký hiệu và cách sử dụng cần số

Phanh ABS là gì? Cấu tạo, nguyên lý hoạt động của phanh ABS trên ô tô

Phanh tay điện tử trên ô tô: Cấu tạo, ưu điểm nổi bật và cách sử dụng