Lốp xe ô tô là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với mặt đường, chịu mài mòn cũng như ma sát rất lớn. Nhưng có nhiều người sử dụng xe thường không để ý tới lốp dẫn tới những sự cố đáng tiếc xảy ra, nhẹ thì có thể bị xì hơi, rách lốp, nặng hơn là nổ lốp gây mất lái tạo ra tình huống cực kỳ nguy hiểm cho bản thân mình và các phương tiện khác.

Sử dụng lốp có thông số kỹ thuật phù hợp khuyến cáo của nhà sản xuất

Ngoài việc tuân thủ đúng khuyến cáo của nhà sản xuất về các thông số kỹ thuật của lốp (thường được dán trên trụ cửa bên người lái xe) thì bạn cũng nên sử dụng đúng loại lốp phù hợp với điều kiện đường.

Hiện tại, trên thị trường có 3 loại lốp chính:

- Lốp HT - loại lốp thông dụng nhất chuyên đi đường nhựa, gai mịn, nhiều rãnh thoát nước cũng như khả năng bám đường tốt và hạn chế tiếng ồn;

- Lốp AT - thường lắp trên xe SUV 2 cầu chuyên đi đa dạng đường từ đường nhựa đường cát sình lầy hay đá sỏi thậm chí là tuyết, lốp AT thường có gai lớn hơn nên sẽ ồn hơn và khả năng bám đường kém hơn lốp HT trên đường nhựa ướt;

- Lốp MT có gai lốp lớn, khoảng cách gai lớn để hạn chế bùn bám, lốp MT chuyên đi off-road và không dùng để đi đường nhựa hay đường phố.

Đại đa số các xe du lịch phổ thông sẽ dùng lốp HT, trong trường hợp bạn cần đi địa hình một chút thì dùng lốp AT còn lốp MT rất ít dùng. Việc sử dụng sai loại lốp có thể ảnh hưởng tới khả năng bám đường, làm sai số đồng hồ báo tốc độ, lượng nhiên liệu tiêu thụ, tiếng ồn trong khoang lái,…

Kiểm tra áp suất, độ mòn, van lốp…

Hãy tập thói quen đi một vòng quanh xe trước khi khởi hành vừa để nhìn lốp vừa quan sát có chướng ngại vật nào không và hãy kiểm tra tất cả các lốp xe trước mỗi hành trình dài. Áp suất lốp thường được nhà sản suất dán trên trụ cửa người lái, nếu xe bạn không có cảm biến áp suất lốp thì có thể đo bằng đồng hồ đo áp suất lốp chuyên dụng. Việc để  áp suất lốp quá thấp hoặc quá cao có thể dẫn đến những hư hỏng như rạn nứt, phồng lốp, mòn lốp, tiêu tốn nhiên liệu nhiều hơn,…

Không có một con số nào về quãng đường lốp đã đi được hay thời gian sử dụng để thay  lốp, nó tuỳ thuộc vào điều kiện vận hành cũng như chăm sóc bảo dưỡng của bạn, chính vì thế có người xe mới đi chừng 20.000km đã phải thay lốp, người lại đi tới 50.000km. Có một cách rất đơn giản để nhận biết độ mòn của lốp và cân nhắc việc thay lốp mới là nhìn vào cảnh báo mòn trên rãnh tròn quanh lốp. Nếu gai lốp mòn tới vạch này (tương đường với việc đã mòn khoảng 1,6mm) thì nên thay thế lốp mới bởi lúc đó lốp sẽ không còn bám đường hay thoát nước tốt, quãng đường phanh cũng có thể bị ảnh hưởng.

Khi thay lốp mới bạn cần để ý tới ngày sản xuất được ghi trên lốp, không nên sử dụng lốp đã sản xuất lâu hay đã quá “date” dù rằng giá rẻ hơn vì cao su lốp sẽ xuống cấp theo thời gian dù bảo quản tốt, khuyến cáo không nên dùng lốp mới đã sản xuất quá 5 năm.

Kiểm tra ngày sản xuất của lốp xe

Bạn cũng nên để ý tới van lốp khi kiểm tra định kỳ lốp, vì van dễ bị xuống cấp sau thời gian sử dụng. Khi di chuyển tốc độ cao, lực ly tâm ảnh hưởng tới van hoặc khi bạn quẹt bánh xe vào lề đường hay đất đá văng bắn vào van lốp gây xì hơi. Do đó, van và nắp van lốp cần được kiểm tra và thay mới, đặc biệt khi thay lốp thì nên thay luôn van lốp, không nên tận dụng van cũ.

Đảo lốp, cân bằng động và cân chỉnh độ chụm

Nên định kỳ thực hiện việc đảo lốp, cân bằng động và cân chỉnh độ chụm định kỳ hàng năm hoặc khi bạn thay lốp mới. Việc này giúp kéo dài tuổi thọ lốp, tránh hiện tượng mòn không đều, giảm rung lốp, tránh hiện tượng lệch lái (giữ vô lăng thẳng nhưng xe vẫn đi sang trái hoặc phải)… Thậm chí, khi vá lốp bạn cũng nên cân bằng động lại lốp để tránh hiện tượng lệch ly tâm lốp. Thông thường, khi thay lốp, bạn nên thay cả 4 lốp cùng lúc cùng loại. Nếu chỉ thay 1 hoặc 2 lốp mới thì nên thay lốp trước vì lốp trước chịu mài mòn và trọng lực nhiều hơn lốp sau, hơn nữa nếu nổ lốp trước thì hậu quả lớn hơn rất nhiều so với lốp sau.

Sử dụng lốp dự phòng đúng cách, không mua, dùng lốp cũ

Bạn nên kiểm tra lốp dự phòng định kỳ hoặc trước mỗi chuyến đi để đảm bảo luôn có lốp thay thế khi sự cố xảy ra. Bạn cũng cần biết lốp dự phòng trên xe là loại nào, loại dự phòng đúng nghĩa tức là lốp nhỏ hơn và thường chỉ di chuyển tối đa 80km/h (nhà sản xuất làm việc này để giảm chi phí cũng như bắt buộc bạn phải đi chậm để đảm bảo an toàn và tới ngay địa điểm sửa/ thay lốp bị hư hại) hoặc loại lốp giống như 4 lốp chính. Nhưng dù là loại nào thì sau khi thay thế lốp dự phòng bạn cũng nên nhanh chóng đưa lốp hỏng đi xử lý.

 

Việc mua lốp dự phòng cũ tiềm ẩn nhiều nguy cơ bởi lốp cũ đó có thể đã được đắp vá gây mất an toàn hoặc có những vết cắt, vết rạn nứt làm xe mất độ bám, ảnh hưởng tới quãng đường phanh và dễ bị nổ lốp hơn.

Nhận biết dấu hiệu xuống cấp của lốp để thay thế

Ngoài việc nhìn vào vạch giới hạn để biết lốp mòn đến mức cần thay thế thì cũng cần biết thêm các dấu hiệu khác. Đầu tiên là nếu trên bề mặt lốp xuất hiện nhiều các vết rạn và rạn sâu thì cao su đã lão hoá; lốp mòn không đều do nhiều nguyên nhân khác nhau và nếu vết mòn vượt quá ngưỡng giới hạn thì cũng cần thay thế lốp mới; vết cắt và phồng lốp có thể do di chuyển trên địa hình đá sắc nhọn, va chạm gờ vỉa hè, để lốp quá non hay chất lượng cao su đã kém chất lượng; lốp đã dính quá nhiều vết đinh cũng không nên cố dùng mà hãy thay mới.