Vì sự khác biệt thời tiết lớn giữa các vùng miền nên cách chăm sóc, bảo dưỡng hay vận hành xe cũng khác nhau để xế yêu luôn “khoẻ mạnh”.

Miền Bắc đã bắt đầu đón những đợt không khí lạnh báo hiệu mùa đông đang tới, dự báo mùa đông năm nay đến sớm và sẽ lạnh hơn nhiều so với các năm trước. Trong khi đó, các tỉnh miền Trung, Nam vẫn đang trong mùa mưa bão.

Chính vì sự khác biệt thời tiết lớn giữa các vùng miền nên cách chăm sóc, bảo dưỡng hay vận hành xe cũng khác nhau để xế yêu luôn “khoẻ mạnh”, cho bạn những hành trình an toàn. 

Sử dụng xe trong mùa đông

Vấn đề hay gặp phải trong mùa đông là hiện tượng kính xe bị mờ do chênh lệch nhiệt độ trong ngoài xe khiến hơi nước ngưng tụ. Hãy bật điều hoà với mức quạt gió điều hòa lớn nhất và chế độ sưởi kính sẽ giúp hơi nước tan đi nhanh chóng. Nhiệt độ trong xe không nên chênh lệch với bên ngoài quá cao và trước khi dừng hẳn xe thì nên tắt điều hoà hoặc hạ nhiệt độ thấp để cơ thể dần quen, khi ra ngoài không bị sốc nhiệt.

- Sương mù vào mùa đông, nhất là ở các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn luôn là nỗi ám ảnh cho bất cứ lái xe nào.

- Trong trường hợp này bạn nên bật đèn chiếu gần, bật thêm đèn sương mù (nếu có), nếu sương mù mù dày đặc quá thì đi chậm lại và bật đèn báo khẩn cấp (đèn hazard) để các xe trước sau dễ nhận ra nhau hoặc mua giấy bóng màu vàng dán ngoài đèn để quan sát dễ hơn.

 

- Khi độ ẩm cao khiến nấm mốc phát triển, bạn cần vệ sinh bên trong xe thường xuyên hoặc mở cửa xe để thông thoáng khí từ 10 – 15 phút hàng tuần để tránh mùi và nấm mốc, gây ảnh hưởng tới sức khỏe.

- Các lái xe cần để ý áp suất lốp xe, các loại dung dịch như nước rửa kính, nước làm mát, … trên xe, kiểm tra ắc quy, gạt mưa, lọc gió điều hoà, lọc gió động cơ, nên thay dầu máy đầu mùa đông, khởi động xe thì chờ khoảng 30 giây để vòng tua máy ổn định rồi mới di chuyển…

- Khi thực hiện những chuyến road-trip dài ngày, nếu thấy mặt đường xuất hiện các lớp băng mỏng thì tốt nhất nên dừng lại, không di chuyển tiếp bởi hầu hết các lốp xe tại Việt Nam không phải là lốp đi đường băng tuyết.

Sử dụng xe mùa mưa bão

Khi trời mưa, nhiệt độ hạ xuống cũng có thể gây mờ kính xe, hãy bật điều hoà với nấc gió lớn nhất và bật chức năng sưởi kính. Hãy luôn bật đèn chiếu sáng phía trước khi trời mưa, khi bảo dưỡng xe hãy trao đổi với kỹ thuật viên căn chỉnh góc chiếu của đèn để đảm bảo hiệu quả chiếu sáng tốt nhất. Nếu xe của bạn không được trang bị gạt mưa tự động thì hãy điều chỉnh tốc độ gạt để có thể quan sát tốt nhất, để ý cả gạt phía sau (nếu có) và thay gạt mưa khi hiệu quả gạt nước kém.

Hãy đi chậm hơn bình thường, tập trung cao độ, đi đúng làn đường và không đi gần các xe tải lớn để đảm bảo an toàn. Khi xe bị một lượng nước rất lớn hắt vào kính trước thì hãy bình tĩnh nhả chân ga, giữ xe đi thẳng, bật gạt mưa tối đa. Nên tập thói quen cầm vô lăng chuẩn bằng cả 2 tay ở góc khoảng hơn 9h và gần 3h sẽ giúp bạn phản xạ đánh lái nhanh và chuẩn hơn trong mọi tình huống. Chú ý, giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước và tuân thủ quy tắc 5 giây, nếu trời khô ráo là quy tắc 3 giây. Hạn chế sử dụng chế độ ga tự động (cruise control) khi trời mưa. 

Khi xe bị trượt, bạn hãy nhả chân ga, điều khiển vô lăng một cách từ từ theo hướng mà bạn muốn và không đạp hết phanh. Đặc biệt, khi di chuyển xe qua vùng ngập nước bạn cần:

- Quan sát kỹ vùng ngập nước xem xe bạn có thể đi qua không, nếu mực nước ngập quá nửa bánh xe thì tốt nhất nên quay lại. Nếu nhận thấy xe có thể đi được thì nên chuyển về số tay (số 1 hoặc 2) giữ đều ga, không dừng lại giữa chừng.

- Tắt các thiết bị phụ để giảm tải cho động cơ.

- Luôn để ý xe ngược chiều để tránh bị sóng đánh quá mạnh hoặc nhìn vào xe phía trước để đi theo đúng vệt đã đi hoặc tránh ra khi xe đó gặp ổ gà hay hố sâu…

Một điều vô cùng quan trọng là nếu bạn di chuyển trong vùng ngập nước và bị chết máy thì tuyệt đối không được đề nổ lại máy xe nếu bạn không muốn xe bị hiện tượng thủy kích. Hãy tắt máy xe, nếu được thì đẩy xe vào lề đường, gọi cứu hộ. Sau khi đi qua đường ngập nước, nếu đỗ xe qua đêm hoặc trong thời gian dài và kéo phanh tay có thể gây kẹt phanh tay. Nên để cần số về P với xe số tự động hoặc về số 1 và chèn bánh xe với xe số sàn thay vì dùng phanh tay.

Để cần số về P với xe số tự động

Ngoài ra, bạn nên rửa xe sau những lần đi mưa để tránh nước mưa có chứa acid gây gỉ sét nhiều chi tiết xe; đóng cửa sổ xe khi tắt máy rời khỏi xe; đóng kín cửa sổ trời (nếu có).

Quan trọng là, nếu đang di chuyển trên đường mà trời mưa to quá khiến bạn rất khó quan sát thì tốt nhất nên tìm vị trí an toàn để dừng đỗ xe, bật đèn cảnh báo và chờ mưa ngớt rồi tiếp tục lên đường.