Đi chậm lại, bật đèn chiếu sáng đèn sương mù, giữ sự tập trung, nguyên tắc 4 giây, không đạp phanh gấp… là một trong những nguyên tắc cơ bản giúp bạn có thể lái xe an toàn trong điều kiện trời mưa, đường trơn ướt, mây mù hạn chế tầm nhìn.  

Đừng lo lắng quá, hãy tuân thủ những nguyên tắc dưới đây để giữ an toàn nhé:

Đảm bảo hệ thống chiếu sáng, lốp, phanh…

Sương mù đôi khi kèm theo mưa nhỏ khiến mặt đường ẩm ướt và trơn trượt, đồng nghĩa với độ bám đường của lốp sẽ bị giảm. Do đó trước khi nổ máy, bạn nên kiểm tra lốp xe. Nếu bề mặt lốp mòn tới vạch cảnh báo, bạn cần phải thay thế ngay để đảm bảo cho xe không bị trượt rê, văng trên mặt đường ướt.

Hãy bật đèn ở chế độ chiếu gần (Cos), đèn sương mù (đèn gầm) và nếu cần thiết hãy bật thêm đèn khẩn cấp (đèn hazard) khi trời mưa to hoặc sương. Chú ý bật đèn sẽ:

  • Giúp cho các phương tiện khác sẽ dễ dàng nhìn thấy xe bạn từ xa hơn, từ đó duy trì khoảng cách và tránh gây ra va chạm.
  • Giúp bạn nhìn đường rõ hơn vì mưa lớn hay sương dày sẽ gây hạn chế tầm nhìn.

Khi mang xe đi bảo dưỡng, đừng quên nhắc các kỹ thuật viên kiểm tra và căn chỉnh lại góc chiếu sáng đèn chiếu sáng trước, kiểm tra đèn phanh, đèn đuôi, đèn báo rẽ… để đảm bảo tầm nhìn đúng và trạng thái hoạt động tốt nhất. Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý giữ sạch phần chóa đèn và kính đèn để có được hiệu quả chiếu sáng tốt nhất.

Thêm vào đó, bạn nên đi chậm để dễ dàng xử lý các tình huống. Đặc biệt, không nên phanh gấp và rẽ đột ngột, vì dễ gây trơn trượt và mất kiểm soát. Các mẫu xe hiện đại đều có hệ thống chống bó cứng phanh (ABS) tuy nhiên việc phanh gấp khiến cho quãng đường phanh dài hơn, gây nguy hiểm cho chính bạn và các phương tiện khác.

Nguyên tắc 4 giây

Hạn chế chạy xe tốc độ cao, tăng tốc nhanh trong thời tiết sương mù, đường trơn ướt. Giữ khoảng cách giữa các xe xa hơn một khoảng so với bình thường bạn hay đi khi thời tiết khô ráo.

Nếu trong điều kiện thời tiết khô ráo, bạn giữ khoảng cách với xe phía trước với nguyên tắc 2 giây thì trong điều kiện mưa mù bạn phải tăng lên 4 giây. Điều này vô cùng quan trọng giúp bạn kịp xử lý cũng như phanh an toàn khi xe trước dừng đột ngột hoặc gặp sự cố.

Cách xác định khoảng cách tốt nhất:

  1. Nhắm một dấu mốc xe trước vừa chạy qua.
  2. Đếm nhẩm 1 đến 4 theo nhịp giây.

Ví dụ: Xe bạn đang chạy với tốc độ 40 km/h ≈ 11m/s, với tốc độ này bạn cần duy trì khoảng cách an toàn đối với xe chạy trước 11 x 4s = 44 m.

Tham khảo cách tính của nguyên tắc 4 giây ở ảnh bên dưới. 

Giữ sự tập trung cao nhất, hạn chế sử dụng chế độ ga tự động

Lái xe trong điều kiện mưa lớn, sương mù đòi hỏi bạn phải tập trung hơn để có thể xử lý các tình huống bất ngờ. Vì thế, hãy luôn:

  • Giữ đúng làn đường, vạch kẻ đường.
  • Giữ khoảng cách với các xe tải cỡ lớn vì lúc này bụi nước tạo ra từ các bánh xe sẽ hạn chế tầm nhìn của bạn.
  • Lái xe bằng cả hai tay ở các vị trí khoảng 9 giờ và 3 giờ trên vô-lăng sẽ giúp bạn phản ứng nhanh hơn nếu có sự cố xảy ra.
  • Khi xe chuyển hướng, hãy hạn chế vượt lên trên vì các xe khác sẽ không quan sát tốt xe bạn khi bị sương mù che kín.
  • Hạn chế sử dụng tính năng ga tự động (cruise control) trong điều kiện trời mưa đường ướt vì trời mưa sương mù cũng có thể làm giảm độ nhạy bén của radar hoặc camera nhận diện trên xe.

Sử dụng gạt mưa, điều hoà, sấy kính/gương đúng cách

Để đảm bảo có thể quan sát tốt nhất, bạn nên điều chỉnh tốc độ gạt mưa phía trước và phía sau cho phù hợp, để dễ quan sát qua kính chắn gió và gương chiếu hậu. Cần kiểm tra tình trạng gạt mưa và nước rửa kính trước khi khởi hành và hãy thay cao su gạt mưa định kỳ cũng như đảm bảo nước rửa kính luôn ở mức tối đa.

Khi kính hoặc gương chiếu hậu bị mờ, hãy bật chế độ sưởi kính và sưởi gương.

Bạn cần điều chỉnh nhiệt độ của điều hòa bằng hoặc thấp hơn so với nhiệt độ bên ngoài để hạn chế tình trạng đọng hơi nước ở kính lái, gây mờ kính do sự chênh lệch nhiệt độ trong xe và bên ngoài nhé.

Xử lý khi xe bị trượt, đi qua vùng ngập nước

Nếu xe của bạn bị trượt, hãy bình tĩnh xử lý bằng cách nhả chân ga, điều khiển vô lăng một cách từ từ theo hướng bạn muốn đi, không đánh lái, đạp phanh gấp hay hết cỡ nếu bạn không muốn mất kiểm soát hoàn toàn với chiếc xe. Các xe hơi đời mới đều có hệ thống ổn định thân xe (cân bằng điện tử), kiểm soát lực kéo hay phân phối lực phanh điện tử (EBD)… nhằm phòng tránh trường hợp xe mất ổn định khi di chuyển trong điều kiện trơn trượt, ôm cua quá nhanh. Tuy nhiên, bạn cũng đừng nên ỷ lại, hãy làm chủ tay lái của mình.

Nếu buộc phải đi qua vùng ngập nước, hãy quan sát kỹ để đảm bảo rằng mực nước không ngập quá trục bánh xe (trừ một số xe chuyên dụng), quan sát các ô tô có kích thước tương tự xe mình đã vượt qua khúc ngập an toàn để biết có ổ gà, chướng ngại vật bên dưới hay không. Ngoài ra, cũng cần chú ý khi có xe chạy cùng chiều và ngược chiều vì có thể xảy ra hiện tượng tạo sóng, làm nước dâng cao hơn và tăng nguy cơ nước tràn vào đường nạp gió, lọc gió động cơ.

Cần đi số thấp (L, M1/S1,1) và tắt các phụ tải không cần thiết như điều hòa, hệ thống âm thanh trên xe.

Chú ý khi dừng xe

Trong điều kiện sương mù dày đặc, các bạn không nên cố tìm cách di chuyển, điều cần làm là tìm nơi trú ẩn an toàn và đợi đến tình trạng sương mù khá hơn. Điều chú ý khi chuyển làn đường, băng ngang đường và dừng xe. Việc chuyển làn cần thực hiện bật đèn báo tín hiệu rẽ xa hơn, thực hiện việc rẽ một cách từ từ, đặc biệt là hạn chế dừng xe đột ngột.

Trong trường hợp xe hỏng cần di chuyển ngay xe vào lề bên phải đường, hãy tắt các đèn chiếu sáng trắng, bật đèn khẩn cấp và đứng cách xa chiếc xe của mình rồi gọi cứu hộ.

Dù đã nắm chắc các tips lái xe trong thời tiết sương mù, mưa phùn nhưng chúng ta cũng không nên chủ quan. Hãy kiểm tra tình hình thời tiết trước mỗi chuyến đi, nếu điều kiện sương mù quá dày đặc, bạn hãy cân nhắc tới việc hoãn cuộc hành trình để đảm bảo an toàn cho mình và những người đồng hành. Đồng thời, hãy tạo thói quen chuẩn bị thật kỹ kế hoạch và những vật dụng cần thiết cho mỗi chuyến đi dài.

Chúc các bạn luôn có những chuyến đi an toàn và nhiều niềm vui!