Khi di chuyển bằng ô tô, trẻ nhỏ có nguy cơ bị tổn thương cao hơn người lớn trong trường hợp xảy ra va chạm bởi thể chất chưa hoàn thiện.

Dưới đây là những khuyến cáo của các chuyên gia an toàn từ Toyota Việt Nam để giúp bảo vệ trẻ em xuyên suốt hành trình lái xe:

Sử dụng ghế chuyên dụng

Bố mẹ cần sử dụng ghế chuyên dụng hoặc dây đai an toàn dành riêng cho trẻ nhỏ dưới 12 tuổi hoặc cao dưới 1,3m. Đây có thể xem là trang bị bắt buộc cho trẻ nhỏ trước mỗi hành trình, dù xa hay gần.

Dây đai an toàn trên ô tô được thiết kế cho người trưởng thành. Với thể trạng nhỏ, dây đai khó hoặc không thể cố định trẻ em tại vị trí ngồi khi xảy ra va chạm. Điều này dẫn đến nguy cơ trẻ bị trượt khỏi ghế, chấn thương khi có lực tác động từ trước, sau hoặc ngang hông xe. Do đó, Toyota khuyến cáo khách hàng cần sử dụng ghế chuyên dụng cho trẻ em trong tất cả hành trình có mặt trẻ em để đảm bảo an toàn.

Việc sử dụng ghế chuyên dụng giúp toàn bộ cơ thể trẻ được bảo vệ tốt hơn. Toyota khuyến cáo sử dụng ghế theo tiêu chuẩn ghế trẻ em được Liên hợp Quốc quy định (tiêu chuẩn UN (ECE) R44/UN (ECE) R129) và tiêu chuẩn kết nối đa điểm ISO (tiêu chuẩn ISOFIX), nhận biết bằng nhãn ISOFIX và các chứng nhận tiêu chuẩn UN (ECE) R44/UN (ECE) R129 trên các sản phẩm ghế chuyên dụng như sau:

Tuy nhiên, không phải loại ghế cho trẻ em nào cũng đều lắp vừa mọi loại xe. Do đó, bố mẹ cũng cần lưu ý trang bị loại ghế, kích thước ghế hoặc hướng đặt ghế trên xe sao cho phải phù hợp với chiều cao, cân nặng và độ tuổi của trẻ.

Hạn chế cho trẻ ngồi ở ghế trước, gần vị trí lái hoặc cần điều khiển cũng là cách ngăn ngừa sự hiếu động của trẻ có thể gây mất an toàn cho tài xế. Chỉ cho trẻ ngồi ở ghế hành khách phía trước trong trường hợp bất khả kháng và khi lắp hệ thống ghế cho trẻ em, cần lùi ghế về phía sau càng nhiều càng tốt. Lưu ý tránh va chạm vào ghế của trẻ em khi di chuyển ghế, đồng thời xác nhận dây đai được đặt chéo qua vai, cách xa cổ của trẻ,…

Luôn để mắt đến trẻ nhỏ trong ô

Không để trẻ di chuyển tự do, chơi đùa trong xe, đặc biệt ở khoang lái vì có thể hạn chế tầm nhìn và gây mất tập trung cho người lái. Khi xảy ra va chạm ở tốc độ cao, quán tính lớn khiến trẻ (không thắt dây an toàn) có thể văng về phía trước hoặc sau, nguy cơ chấn thương nặng do va đập với các bộ phận trong xe.

Nhưng quan trọng hơn cả, cần phải luôn giữ trẻ ở ghế ngồi và thắt dây đai an toàn. Bố mẹ có thể chuẩn bị những quyển truyện hoặc các món đồ vật yêu thích của con như gấu bông, đồ chơi, … để giữ con “bận rộn” trong suốt chuyến đi.

Tạo thói quen kiểm tra các ghế ngồi trước khi rời khỏi xe để đảm bảo không để trẻ ở lại một mình, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra khi trẻ bị ở trong xe khi cửa xe đóng kín, điều hòa không hoạt động, nhiệt độ bên trong xe tăng cao khi trời nắng.

Hạn chế các rủi ro nguy hiểm

Bản năng tò mò của trẻ em kích thích chúng chạm vào các nút bấm, lẫy mở cửa trên xe. Vì thế, người lớn cần thường xuyên kiểm tra, chốt cửa cố định và bật khoá trẻ em (nếu có trẻ em đi cùng) trước khi xe lăn bánh. Ngoài ra, hãy sử dụng các tấm che nắng, chọn điều hòa với mức nhiệt độ phù hợp, tạo môi trường dễ chịu nhất cho trẻ.

Khi có trẻ em trên xe, cửa kính trên ô tô cần được kéo kín hết và bật chức năng khoá kính để hạn chế trẻ tự mở cửa và chồm người hoặc đưa tay ra bên ngoài. Không để trẻ chơi đùa, đưa người ra khỏi xe qua cửa sổ trời khi xe đang di chuyển.

Dừng nghỉ hợp lý

Những quãng nghỉ cần được phân bổ hợp lý trên các chặng đường xa. Điều này không chỉ giúp người cầm lái tiếp thêm năng lượng, tỉnh táo hơn mà còn giúp hành khách, đặc biệt trẻ em được thư giãn.

Bố mẹ nên chủ động chuẩn bị đầy đủ đồ dùng cho trẻ, như sữa, bỉm, khăn lau, đồ chơi. Các tấm đệm hơi phẳng chỉ nên dùng trên ô tô cho trẻ ngủ, chơi đùa khi xe dừng, nghỉ hẳn.

Sử dụng hình ảnh cảnh báo cho các phương tiện khác

Miếng dán Baby on Car quen thuộc chính là lời nhắc nhở các phương tiện xung quanh về sự hiện diện của trẻ nhỏ trên ô tô. Điều này giúp các xe xung quanh và bản thân người lớn cẩn trọng hơn khi tham gia giao thông, giảm thiểu nguy cơ tai nạn.

Hiện nay, xu hướng các gia đình sử dụng ô tô cá nhân để đi chơi, du lịch ngày càng tăng ở Việt Nam. Tuy nhiên, trước khi nghĩ đến việc cho con thêm nhiều trải nghiệm, khám phá thiên nhiên sau quãng thời gian học tập và làm việc mệt mỏi, bố mẹ cũng cần chuẩn bị kỹ năng chăm sóc an toàn cho trẻ trên ô tô.

Điều này giúp mọi hành trình của trẻ cùng gia đình đi đến những nơi xa luôn được an toàn, trọn vẹn.