Thuỷ kích là nỗi ám ảnh của bất kỳ chủ xe nào bởi thiệt hại gây ra, nếu không xử lý đúng cách, có thể lên đến hàng trăm triệu đồng.

Trong số nhiều rủi ro khi sử dụng ô tô, thuỷ kích là một trong những mối nguy đáng lo ngại nhất có thể xảy ra với bất kỳ ô tô nào. Minh chứng như những ngày mưa lớn kéo dài tại Đà Nẵng, Quảng Nam giữa tháng 10 vừa qua, không khó để bắt gặp hàng dài những chiếc ô tô bị ngập nước. Thuỷ kích không chỉ làm hỏng nặng động cơ tuỳ mức độ, mà còn khiến những bộ phận khác bị hư hỏng hoặc xuống cấp nhanh hơn so với tuổi thọ thông thường.

Thủy kích là gì? 

Thuỷ kích là thuật ngữ chuyên ngành sử dụng trong lĩnh vực ô tô để chỉ cho tình trạng nước xâm nhập vào khoang động cơ, buồng đốt theo đường ống nạp (cổ hút gió) vào bên trong động cơ khiến xe chết máy đột ngột. Khi xe bị thủy kích và động cơ chết máy, tuyệt đối không nổ máy lại động cơ và nhanh chóng gọi cứu hộ kéo xe về đại lý chính hãng gần nhất để xử lý.

Trong điều kiện thông thường, hỗn hợp gồm nhiên liệu và không khí được nén trong buồng đốt (xi-lanh) và cháy, tạo ra chuyển động lên xuống của piston. Nhưng nếu nước xâm nhập vào bên trong buồng đốt, hoạt động của piston sẽ bị cản trở. Theo quán tính chuyển động, tay biên gắn với piston di chuyển không đúng hướng có thể va chạm và gãy, kéo theo những hư hại khác như gãy trục khuỷu, thủng nắp máy.

Thuỷ kích thường để chỉ những hư hỏng về động cơ. Tuỳ vào mức nước ngập, các chi tiết bị ảnh hưởng có thể kể đến như sau:

Nước ngập từ sàn xe trở xuống: Ngoài dầu động cơ, dầu hộp số có nguy cơ bị nước xâm nhập, hệ thống phanh và các bộ phận nội thất như thảm trải sàn, tấm cách âm, loa, bộ điều khiển (ECU) túi khí trung tâm cũng bị ảnh hưởng.

Nước ngập từ đệm ghế trở xuống: Ngoài các chi tiết ở trên, những bộ phận có khả năng hư hại như đệm ghế, bộ căng đai khẩn cấp, giắc nối điện. Với khoang động cơ là những bộ phận như máy khởi động, máy phát, máy nén…

Nước ngập từ táp-lô (bảng điều khiển) trở xuống: Ngoài các chi tiết ở trên, xe có thể hư hỏng thêm hệ thống điều hoà, các ECU, hệ thống nghe nhìn. Bên cạnh đó, môtơ điều khiển kính, bộ chấp hành bơm ABS, trợ lực lái cũng có thể bị ảnh hưởng.

Nước ngập từ táp-lô (bảng điều khiển) trở lên: Tất cả các chi tiết của xe đều có khả năng bị hư hại.

Xe bị thủy kích xử lý thế nào? 

Lời khuyên của các chuyên gia kỹ thuật Toyota Việt Nam cho tài xế khi ô tô chết máy khi qua vùng ngập nước, là tuyệt đối không khởi động lại động cơ bằng mọi cách. Việc làm này có thể khiến nước xâm nhập sâu hơn vào buồng đốt, dẫn đến hư hỏng nặng hơn các chi tiết bên trong động cơ. Đồng thời, khởi động xe khiến hệ thống điện hoạt động trong tình trạng dính nước sẽ dẫn đến nguy cơ chập mạch hệ thống điện và gây hư hỏng các chi tiết điện và điều khiển xe.

Nếu xe chết máy, tài xế nên dừng xe, gọi cứu hộ và đưa xe (bằng xe cứu hộ có sàn phẳng) đến các đại lý uỷ quyền của Toyota Việt Nam để được sửa chữa. Tại đây, nhân viên kỹ thuật của đại lý sẽ kiểm tra, đánh giá mức độ hư hại của thuỷ kích và đưa ra phương án xử lý tốt nhất cho chủ xe. Trường hợp xe không di chuyển nhưng đậu ở nơi bị nước ngập do mưa, lũ… cách xử lý cũng tương tự.

Sửa chữa hư hỏng các chi tiết của khoang động cơ rất phức tạp, tốn nhiều thời gian. Đặc biệt, chi phí thay thế một phần linh kiện hoặc cả cụm động cơ có thể lên đến hàng trăm triệu đồng. Chưa kể chất lượng xe không còn như thiết kế ban đầu, giá trị thanh khoản với xe cũ cũng giảm đáng kể.

Làm sao để tránh, hạn chế thủy kích?

Tài xế nên đánh giá mức độ nước ngập ở những cung đường xe lăn bánh. Nếu cho rằng mực nước cao quá nửa bán xe hoặc quan sát mực nước bằng cách quan sát xe chạy phía trước. Trong trường hợp không thể ước đoán mức độ, tài xế nên dừng xe chờ nước rút thay vì cố gắng đi qua.

Trong một số tình huống, mực nước không quá nửa bánh xe, nhưng các xe xung quanh di chuyển bên cạnh có thể tạo sóng nước dâng cao, làm tăng nguy cơ nước xâm nhập vào buồng đốt. Tài xế cũng nên cân nhắc không cho xe di chuyển qua những khu vực này.

Khi đỗ xe, nên chọn những nền đất cao, đặc biệt vào những mùa mưa, bão hoặc triều cường. Kể cả khi xe không hoạt động, nếu bị nước ngập, tài xế cũng không tự ý nổ máy. Thay vào đó là gọi cứu hộ, đưa xe đến đại lý chính hãng để được kiểm tra. Chỉ khi nhân viên kỹ thuật xác định không có nguy cơ nước gây hại cho động cơ, xe mới khởi động an toàn, tránh thuỷ kích.

Với hệ thống 84 đại lý, trạm dịch vụ ủy quyền rộng khắp 45 tỉnh thành trên cả nước lần lượt tại miền Bắc, miền Trung, miền Nam là 29, 37 và 18 đơn vị, Toyota Việt Nam luôn sẵn sàng mang đến cho khách hàng dịch vụ cứu hộ, sửa chữa và bảo dưỡng chất lượng. Trong trường hợp khẩn cấp, khách hàng vui lòng liên hệ đại lý hoặc trạm dịch vụ ủy quyền gần nhất của Toyota để được hỗ trợ.